Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng cường đầu tư cho năng lượng tái tạo
- Posted by administrator-solarv
- 0 Comment(s)
Mới đây, ngay sau khi Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố báo cáo Tình trạng Khí hậu Toàn cầu năm 2021 với những chỉ số đáng báo động, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra kế hoạch 5 điểm nhằm tăng tốc độ chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong đó, ông kêu gọi đầu tư cho năng lượng tái tạo phải tăng gấp 3 lần.
5 hành động quan trọng mà thế giới cần ưu tiên
Theo Báo cáo Tình trạng Khí hậu Toàn cầu năm 2021 của WMO, 4 chỉ số chính về biến đổi khí hậu bao gồm mực nước biển dâng, nhiệt đại dương, axit hóa đại dương và nồng độ khí nhà kính đã lập kỷ lục mới vào năm 2021. Thời tiết khắc nghiệt đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của con người, đe dọa an ninh lương thực, tài nguyên nước và dẫn đến những thiệt hại về kinh tế lên đến hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Báo cáo cũng chỉ ra, 7 năm qua là thời kỳ ấm nhất được ghi nhận, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1 độ C so với mức nhiệt ở thời kỳ tiền công nghiệp. Tổng Thư ký WMO, ông Petteri Taalas, cảnh báo “Mực nước biển dâng, nhiệt đại dương và quá trình axit hóa sẽ tiếp tục trong hàng trăm năm nữa trừ khi các phương pháp loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển được phát minh”.
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách toàn cầu (Ảnh internet)
Cho rằng không còn nhiều thời gian để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và vạch ra 5 hành động quan trọng mà thế giới cần ưu tiên, gồm:
- Cung cấp công nghệ năng lượng tái tạo cho tất cả mọi người, loại bỏ các trở ngại đối với việc chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ, bao gồm cả các ràng buộc về sở hữu trí tuệ.
- Cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu đối với các thành phần và nguyên liệu thô, cần có sự phối hợp quốc tế để mở rộng và đa dạng hóa năng lực sản xuất trên toàn cầu
- Tạo sân chơi bình đẳng cho công nghệ năng lượng tái tạo
- Chuyển trợ cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. “Việc chuyển trợ cấp từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo không chỉ cắt giảm lượng khí thải mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm, nâng cao sức khỏe cộng đồng và bình đẳng, đặc biệt là cho những người nghèo và các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”
- Tăng gấp 3 lần đầu tư vào năng lượng tái tạo. Cần đầu tư ít nhất 4.000 tỷ USD mỗi năm vào năng lượng tái tạo cho đến năm 2030 – bao gồm cả đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng – để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Năng lượng tái tạo được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2022
Theo Cập nhật thị trường năng lượng tái tạo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2021 đã lập kỷ lục về công suất tăng thêm năng lượng tái tạo với 295 GW bổ sung, vượt qua các thách thức về chuỗi cung ứng do dịch bệnh, sự chậm trễ trong xây dựng và sự tăng cao của giá nguyên liệu thô. Thế giới sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới về công suất năng lượng tái tạo vào năm 2022, với công suất bổ sung dự kiến đạt 320 GW. Trong đó, năng lượng mặt trời sẽ chiếm 60% tăng trưởng năng lượng tái tạo, theo sau là điện gió và thủy điện.
Năng lượng tái tạo được dự báo sẽ tăng thêm 320 GW vào năm 2022, trong đó 60% là điện mặt trời
Riêng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, công suất bổ sung dự kiến sẽ giảm 40% sau mức tăng đặc biệt ấn tượng trong 2021 khi các nhà phát triển gấp rút triển khai các dự án tại Trung Quốc để đáp ứng thời hạn trợ cấp. Tuy nhiên, theo IEA, công suất bổ sung điện gió ngoài khơi toàn cầu vẫn cao hơn 80% trong năm nay so với năm 2020. Và đến cuối năm 2022, Trung Quốc sẽ vượt qua châu Âu để trở thành thị trường điện gió ngoài khơi có tổng công suất lớn nhất trên thế giới.
Cũng theo IEA, công suất năng lượng tái tạo sẽ bổ sung trong năm nay và năm 2023 có khả năng làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu vào khí đốt của Nga ở lĩnh vực điện năng. Điều này một lần nữa chứng minh vai trò quan trọng của năng lượng tái tạo đối với an ninh năng lượng, bên cạnh hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu.
Nguồn: Vuphong.vn