Năng lượng sạch giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững
- Posted by administrator-solarv
- 0 Comment(s)
Có khá nhiều giải pháp khả quan để Việt Nam giải quyết được bài toán về năng lượng, trong khi vẫn giảm được phát thải carbon và ô nhiễm không khí, đồng thời đạt được lợi ích kinh tế cao hơn từ các khoản đầu tư vào lĩnh vực điện và năng lượng.
- Nhu Cầu Thiết Yếu Chuyển Sang Nguồn Năng Lượng Tái Tạo
- Gói Điện Mặt Trời Hoà Lưới
- Đèn LED / Đèn Năng Lượng Mặt Trời
Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao. Ảnh: Đức Thanh
Nguy cơ thiếu điện trong năm tới
Tính từ năm 2000, nhu cầu điện tại Việt Nam đã tăng ở mức hai con số và Chính phủ ước tính nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng tối thiểu 8%/năm từ nay đến năm 2030. Để đáp ứng được nhu cầu này, Việt Nam sẽ cần tăng công suất lắp đặt từ 39 GW (năm 2015) lên 130 GW vào năm 2030. Tuy nhiên, nhiều dự án điện tại Việt Nam đang bị chậm tiến độ và Chính phủ đã cảnh báo thiếu hụt điện có thể xảy ra vào năm tới.
Để đối phó với tình trạng trên, Việt Nam đã bắt đầu cắt giảm phần nào phụ tải ở miền Nam – trung tâm sản xuất của cả nước, song mức thiếu hụt điện vẫn có thể lên tới 12 triệu MWh/năm từ nay đến năm 2023, tương đương 8 – 10% nhu cầu điện sử dụng cho các ngành công nghiệp.
Ngành điện Việt Nam cần được đầu tư từ 8 đến 12 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu này. Đầu tư cho ngành điện của Việt Nam từ trước đến nay vốn thuộc hạng mục đầu tư công và thường từ các nguồn vay viện trợ phát triển chính thức, bao gồm cả những khoản vay thương mại được Chính phủ bảo lãnh. Điều này sẽ sớm không còn khả thi khi Việt Nam đang tiến dần đến ngưỡng trần nợ công 65% tổng sản phẩm quốc nội. Hơn nữa, Việt Nam đã thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình, nên việc tiếp cận các khoản viện trợ phát triển chính thức sẽ rất hạn chế.
Việt Nam cũng là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu. Kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 42 GW từ nay đến năm 2030 sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm không khí và sẽ khiến Việt Nam khó khăn hơn trong nỗ lực đạt được mục tiêu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Phát triển năng lượng tái tạo – cách nhanh nhất bổ sung nguồn cung điện
Có thể thấy rõ ràng rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu điện với một nguồn cung điện sạch, bền vững và có chi phí hợp lý. Năng lượng tái tạo chính là cách nhanh nhất để Việt Nam bổ sung nguồn cung điện. Năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm cục bộ và nếu làm đúng thì sẽ hiệu quả hơn về mặt chi phí so với sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Chính phủ Việt Nam đã công bố năng lượng tái tạo là một phần trong cơ cấu năng lượng của cả nước, với kế hoạch bổ sung 18 GW điện mặt trời và điện gió từ nay đến năm 2030. Đây là một sự khởi đầu tốt. Biểu giá hỗ trợ cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo áp dụng trong 18 tháng qua đã mang đến tổng công suất lắp đặt hơn 4 GW điện mặt trời và điện gió tính đến tháng 6/2019. Nguồn điện bổ sung này bao gồm nhà máy điện mặt trời tư nhân nối lưới đầu tiên tại Việt Nam do Công ty cổ phần Điện Gia Lai phát triển với khoản đầu tư từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) – tổ chức phát triển lớn nhất thế giới tập trung vào hỗ trợ các giải pháp của khu vực tư nhân tại các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả kinh tế của các dự án năng lượng tái tạo. Chỉ với việc áp dụng các tiêu chuẩn chung đơn giản, được đông đảo các đối tác quốc tế công nhận vào các hợp đồng mua bán điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể thu hút đầu tư được nhiều hơn nữa vào các dự án điện từ năng lượng tái tạo với chi phí thấp hơn – thậm chí thấp hơn cả chi phí của các dự án nhiệt điện than. Và quan trọng là, điều này sẽ giúp không làm gia tăng nợ công của Việt Nam.
IFC ước tính, chỉ với việc thực hiện một số thay đổi đơn giản trong các hợp đồng mua bán điện, mỗi năm, Việt Nam có thể gia tăng thêm từ 1/4 đến 1/3 lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo với mức chi phí sản xuất điện như cũ. Mức tăng này tương đương với tối thiểu 1,5 – 2 triệu MWh/năm, cú huých đáng kể cho một quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện như Việt Nam.
Khu vực tư nhân luôn rất quan tâm đến lĩnh vực điện tại Việt Nam và mong muốn giúp Việt Nam giải quyết được bài toán thiếu điện này. Với các cải cách chính sách phù hợp được triển khai, IFC sẵn sàng tài trợ và huy động đến 1 tỷ USD hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong vòng 2 – 3 năm tới, thậm chí nhiều hơn nữa khi Việt Nam dần mở rộng công suất lắp đặt. Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng có thể tư vấn và hỗ trợ tài chính để nâng cấp hệ thống truyền tải điện nhằm đáp ứng sự gia tăng cung điện từ các nguồn tái tạo và các nguồn khác.
Khí thiên nhiên – nguồn năng lượng thay thế linh hoạt
Năng lượng tái tạo là chưa đủ. Việt Nam cần tiếp cận được các nguồn năng lượng sơ cấp khác có hiệu quả cao về mặt chi phí, để bổ sung cho sự gián đoạn theo thời vụ của nguồn năng lượng tái tạo. Khí thiên nhiên là cầu nối quan trọng hướng đến một tương lai carbon thấp và là nguồn năng lượng thay thế linh hoạt và ít ô nhiễm hơn so với than có hàm lượng carbon cao. Trong bối cảnh dự trữ khí gas trong nước đang ngày càng giảm dần, Việt Nam cần tính đến việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). IFC đã giúp các nước như Brazil, Panama, Bangladesh triển khai các dự án LNG và chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Một điều cũng quan trọng không kém là cắt giảm tiêu dùng điện thông qua các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. IFC đang hỗ trợ các nỗ lực này thông qua Hệ thống Chứng nhận công trình sử dụng hiệu quả tài nguyên (EDGE), giúp việc xây dựng các công trình xanh trở nên nhanh hơn, dễ dàng hơn và với chi phí hợp lý hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam, các công trình được cấp chứng nhận EDGE đã tiết kiệm được khoảng 12.000 MWh điện một năm và giúp các hộ gia đình tiết kiệm được gần 1,4 triệu USD chi phí điện nước hàng năm.
Duy trì được tính cạnh tranh kinh tế, triển khai nhanh chóng các nguồn năng lượng sạch, với hàm lượng carbon thấp và mức giá hấp dẫn là điều Việt Nam thật sự cần vào lúc này. Chỉ cần thực hiện một số ít – nhưng trọng yếu – các cải cách chính sách, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận được các nguồn năng lượng sạch hơn với chi phí thấp hơn, mở ra một chương mới trong hành trình phát triển kinh tế đầy hứng khởi của Việt Nam.
Nguồn: Báo Đầu Tư