Ngành dệt may xanh hóa sản xuất: Nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững
- Posted by webmaster
- 0 Comment(s)
Thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Việc ký kết các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã, đang và sẽ thúc đẩy dòng chảy hội nhập, mở ra nhiều cơ hội bứt phá cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, để giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như gia tăng sức cạnh tranh, tiếp cận người tiêu dùng trong xu thế mới hiện nay, một trong các bài toán mà các doanh nghiệp ngành dệt may phải đối mặt là xanh hóa sản xuất, đáp ứng các tiêu chí về môi trường.
Yêu cầu bắt buộc trong xu thế toàn cầu
Dệt may được coi là một lĩnh vực chủ chốt của nhiều nền kinh tế với quy mô thương mại chiếm từ 8-8,8% tổng thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, dệt may cũng là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Doanh thu của ngành dệt may thời gian qua có sự tăng trưởng ấn tượng. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 40,3 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022 toàn ngành đặt mục tiêu đạt 43,5 tỷ USD. Dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng, đặc biệt được thúc đẩy bởi các FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA).
Ngành dệt may Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực (Ảnh minh họa internet)
Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra các thách thức cho doanh nghiệp do đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp, đưa ra các tiêu chí, ràng buộc về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, trách nhiệm với môi trường, cộng đồng. Chính vì vậy, để có thể tận dụng tốt “đòn bẩy” FTA, nâng cao năng lực cạnh tranh trong dòng chảy hội nhập toàn cầu, giữ đà tăng trưởng bền vững và tiếp tục tạo sự bứt phá, các doanh nghiệp không chỉ phải nỗ lực cải thiện về chất lượng, giá thành sản phẩm mà buộc phải “xanh hóa” cả quá trình sản xuất.
Cùng với đó, tiêu dùng xanh – tiêu dùng bền vững, thời trang xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu, đặc biệt được quan tâm sau sự xuất hiện của dịch Covid-19. Một thống kê cho thấy, có đến 85% người tiêu dùng thay đổi hành vi mua hàng theo hướng bền vững hơn trong 5 năm qua, 60% người tiêu dùng đánh giá tính bền vững là tiêu chí mua hàng quan trọng và 34% sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm hoặc dịch vụ bền vững (theo The Global Sustainability Study 2021, Simon-Kucher & Partners). Trong xu thế đó, nhiều thương hiệu thời trang quốc tế đã đưa ra các cam kết giảm phát thải và xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng. Vì thế, để giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như gia tăng sức cạnh tranh và tiếp cận người tiêu dùng, hướng tới sự tăng trưởng và phát triển bền vững, xanh hóa sản xuất là bài toán mà các doanh nghiệp ngành dệt may phải giải quyết.
Thách thức trong lộ trình “xanh hóa”
“Xanh hóa” sản xuất, trong đó có các giải pháp sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, đáp ứng các tiêu chí về môi trường mà còn góp phần vào mục tiêu chung của quốc gia là giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26, đồng thời chung tay thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Mục tiêu 7 – Năng lượng sạch với giá thành hợp lý, Mục tiêu 8 – Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế, Mục tiêu 13 – Hành động vì môi trường…
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may thành viên Ủy ban Bền vững VITAS sẽ giảm 15% tiêu thụ năng lượng, giảm 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030 sẽ chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” và đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống tái sử dụng nước, dùng lò hơi sử dụng các nguyên liệu sinh khối để giảm phát thải, ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường để đưa ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu và công nghệ thân thiện hơn… Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, bài toán tài chính vẫn là một thách thức với nhiều doanh nghiệp trên con đường “xanh hóa”, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã triển khai các giải pháp như sử dụng năng lượng sạch nhằm “xanh hóa” sản xuất theo xu thế toàn cầu
Điều đáng mừng, đã có một số chính sách hỗ trợ tài chính và các chương trình Tín dụng xanh từ các ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ tư nhân dành cho các doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải, tái sử dụng nước thải, đầu tư lắp đặt điện mặt trời, năng lượng tái tạo… Đặc biệt, với các mô hình hợp tác linh hoạt như BLT (Build – Lease – Transfer), các doanh nghiệp dệt may có cơ hội sử dụng năng lượng sạch mà không cần vốn đầu tư ban đầu, không chiếm dụng vốn kinh doanh, chỉ cần tận dụng mái nhà xưởng đang nhàn rỗi. Với hợp đồng hợp tác dài hạn, doanh nghiệp sẽ được dùng năng lượng sạch với chi phí hợp lý trong thời gian dài và tránh được các rủi ro về chi phí năng lượng trong tương lai. Trong khi đó, doanh nghiệp không cần lo khâu vận hành, bảo dưỡng hệ thống và được mở rộng cơ hội kinh doanh nhờ xây dựng thương hiệu có trách nhiệm, đáp ứng các tiêu chí về giảm phát thải, sản xuất xanh, phát triển bền vững.
Nắm bắt tốt các cơ hội hợp tác này, doanh nghiệp dệt may sẽ thuận lợi hơn trong lộ trình “xanh hóa”, từ đó tăng trưởng và phát triển bền vững, tiếp tục cùng ngành dệt may Việt Nam đạt những thành tựu mới, góp phần cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Nguồn: Vuphong.vn