Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo – giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26
- Posted by webmaster
- 0 Comment(s)
8 nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra để triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Một trong các nhiệm vụ, giải pháp là Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng carbon.
- Năng Lượng Tái Tạo – Lợi Ích Cho Sức Khỏe Con Người Và Khí Hậu
- Kinh Tế Tuần Hoàn – Nền Tảng Để Việt Nam Phát Triển Bền Vững
- Các Nguyên Tắc Và Tiêu Chí Đánh Giá Phát Triển Bền Vững
Mới đây, ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Mục tiêu chung của đề án là chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển carbon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đề án cũng hướng đến các mục tiêu cụ thể như: hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển carbon thấp, giảm phát thải; các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh; các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái được triển khai đồng bộ, hiệu quả… Với lĩnh vực năng lượng tái tạo, đề án đưa ra mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 33% trong tổng sản lượng điện phát; giảm tỷ trọng của các nguồn nhiên liệu hóa thạch; đồng thời tham gia các tổ chức năng lượng quốc tế. Đề án cũng hướng tới phát triển các dự án năng lượng mới không phát thải như sản xuất nhiên liệu amonia xanh, hydro xanh…; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng bao gồm thủy điện tích năng, pin tích năng, trữ nhiệt về lưới điện thông minh, bảo đảm độ ổn định và tích hợp năng lượng tái tạo trong hệ thống điện với tỷ lệ cao. Hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, thị trường giao dịch tín chỉ carbon trong nước; để đến năm 2030 thị trường carbon trong nước sẽ được vận hành và kết nối với thị trường carbon các nước trong khu vực và thế giới cũng là một mục tiêu cụ thể được nêu tại đề án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị COP26 (Ảnh internet)
Để đạt được các mục tiêu này, đề án đã đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp đó là Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng carbon. Trong đó, cần phát triển các dự án năng lượng tái tạo; nghiên cứu phát triển và sử dụng nhiên liệu hydro xanh, amonia xanh; lưu trữ năng lượng và phát triển công nghệ thu hồi, lưu giữ và sử dụng carbon. Cùng với đó, tăng cường điện khí hóa và sử dụng hiệu quả năng lượng trong dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải; phát triển lưới điện thông minh, vận hành các nguồn năng lượng mới, nguồn điện linh hoạt… Một nội dung nữa là cần nghiên cứu thành lập Trung tâm Năng lượng tái tạo quốc gia nhằm phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm, quản trị quốc gia trong lĩnh vực này; và điều tra các loại khoáng sản, nghiên cứu phát triển vật liệu, công nghệ mới để chuyển tải, lưu trữ năng lượng.
Cụ thể 8 nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 bao gồm:
- Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
- Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng carbon
- Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh
- Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng
- Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên
- Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
- Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông
- Thúc đẩy ngoại giao khí hậu
Năng lượng tái tạo được tập trung phát triển nhằm triển khai kết quả Hội nghị COP26
Kinh phí thực hiện đề án sẽ đa dạng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp lý khác; đồng thời huy động hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các quỹ và các định chế tài chính trong nước, quốc tế, khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án phát triển carbon thấp. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước để tăng thêm nguồn đầu tư cho phát thải carbon thấp.
Xem toàn văn Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ:
Nguồn: Vuphong.vn