Tài chính – thách thức lớn đối với các mục tiêu khí hậu
- Posted by webmaster
- 0 Comment(s)
Các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon đã được đưa ra; nhiều sáng kiến cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng đã được trình bày. Tuy nhiên, để các sáng kiến này được thực thi và mục tiêu khí hậu được hiện thực hóa, có một thách thức lớn phải vượt qua – đó là tài chính. Tài chính khí hậu trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm và là nội dung nổi bật trong khuôn khổ COP27.
Cần 2.400 tỷ USD/năm cho tài chính khí hậu ở các nước đang phát triển
Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27), thế giới sẽ cần từ 4.000 đến 7.000 tỷ USD mỗi năm để thực hiện quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững và đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Riêng với các nước đang phát triển và mới nổi, tổng nhu cầu tài chính khí hậu hằng năm ước tính đạt 1.300 tỷ USD vào năm 2025 và lên đến 2.400 tỷ USD vào năm 2030. Số tiền này cần thiết để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ phát thải thấp, cũng như đối phó với tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Đây sẽ là một thách thức lớn khi thực tế các cam kết tài chính không theo kịp nhu cầu. Từ COP15 diễn ra tại Đan Mạch năm 2009, các nước đã cam kết huy động 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu và đặt mục tiêu thực hiện đến năm 2020. Tuy nhiên, mục tiêu này đã bị bỏ lỡ. Năm 2020, các nước chỉ thực hiện được 83,3 tỷ USD. Hỗ trợ tài chính vẫn chỉ là dưới hình thức tự nguyện mà chưa có văn bản nào ràng buộc. Trong khi đó, với nhu cầu 1.300 tỷ USD/năm, nguồn tài chính khí hậu cần thiết cho các nước đang phát triển cao gấp hơn 10 lần con số 100 tỷ USD.
Tại COP27, lần đầu tiên trong lịch sử có một đề mục riêng về tài chính khí hậu trong chương trình nghị sự chính thức (Ảnh internet)
Chính vì vậy, tại COP27, tài chính khí hậu được nhắc đến nhiều nhất. Đây cũng là lần đầu tiên có một đề mục riêng về vấn đề này trong chương trình nghị sự chính thức của COP. Tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu chính thức được đưa vào nội dung đàm phán. Nó không phải căn cứ để quy trách nhiệm cũng như đòi bồi thường mà là một cơ chế tài chính toàn cầu, trên cơ sở một hiệp ước quốc tế. Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres: “Đã đến lúc phải có một hiệp ước lịch sử, theo đó, các nước giàu hơn cung cấp tài chính và kỹ thuật cùng với sự hỗ trợ từ các ngân hàng phát triển đa phương và các công ty công nghệ để giúp các nền kinh tế mới nổi tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Mô hình đó cần thiết cho tất cả chúng ta”.
Tuy vậy, nhận định từ Giám đốc Viện nghiên cứu Potsdam về tác động của biến đổi khí hậu, Giáo sư Johan Rockstroem: “Đây là kỳ họp đầu tiên tại châu Phi, lần đầu tiên đàm phán về tổn thất và thiệt hại. Đó là một chủ đề rất nhạy cảm và do đó không thể chắc chắn là sẽ có kết quả cụ thể”.
Việt Nam tích cực tìm giải pháp thu hút tài chính hỗ trợ chuyển đổi năng lượng
Cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải và mục tiêu trung hòa carbon, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng và thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững. Trong quá trình này, tài chính cũng là một thách thức mà Việt Nam đang nỗ lực vượt qua.
Ước tính của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2025, Việt Nam cần thêm 100 tỷ USD để đối phó với biến đổi khí hậu, 373 tỷ USD để đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050. Như vậy, Việt Nam cần 473 tỷ USD để thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện đưa phát thải ròng về 0 theo cam kết tại COP26. Đây là thách thức lớn mà nếu chỉ từ nguồn lực trong nước thì khó thực hiện được. Chính vì vậy, Việt Nam đang tích cực tìm các giải pháp thu hút tài chính hỗ trợ chuyển đổi năng lượng. Trong năm 2021, cùng với Ấn Độ, Brazil, Việt Nam là một trong nhóm 10 quốc gia thu hút được 50,4 tỷ USD tài chính xanh, chiếm 76% nguồn tài chính xanh cho thị trường mới nổi.
Hội nghị Bàn tròn về thu hút tài chính hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị COP27 (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Mới đây, trong khuôn khổ COP27, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng đoàn Việt Nam tham dự COP cũng đã tham gia nhiều hội nghị, cuộc gặp song phương và đa phương để tìm giải pháp cho vấn đề tài chính khí hậu, như: Hội nghị Bàn tròn về thu hút tài chính hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu – do Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) tổ chức; Cuộc họp cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), về vấn đề đẩy mạnh các chương trình giảm phát thải bằng cách sử dụng các nguồn tài chính khí hậu dựa trên kết quả; các buổi làm việc song phương với các Ngân hàng Citi bank, Ngân hàng Standard Chartered…
Nguồn: Vuphong.vn