Các nhà khoa học phát triển máy lọc nước bằng năng lượng mặt trời: sản xuất 3->10 lít nước/ngày, giá rất rẻ
- Posted by administrator-solarv
- 0 Comment(s)
Với gần 700 triệu người thiếu nước sạch, việc tìm kiếm một giải pháp hiệu quả với chi phí thấp là cần thiết hơn bao giờ hết.
Tình trạng thiếu nước sạch hiện là một vấn đề cấp bách, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người. May mắn thay, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một giải pháp để làm sạch nước mặn và nước bị ô nhiễm với chi phí thấp.
Nhóm nghiên cứu đã cải thiện hiệu quả và tốc độ tạo ra nước ngọt bằng một thiết bị nhỏ gọn, giá rẻ. Hiệu quả chuyển đổi tạo nước ngọt của thiết bị này thậm chí còn nhanh hơn 2,4 lần so với các sản phẩm thương mại hàng đầu. Kết quả của họ được công bố trong “Global Challenges“. Thiết bị này sử dụng sức nóng từ mặt trời để làm bay hơi nước và do đó tách nước ra khỏi vi khuẩn, muối, và bụi bẩn. Sau đó, hơi nước ngưng tụ thành nước có thể uống được.
“Bằng những vật liệu có chi phí thấp, chúng tôi đã tạo ra một hệ thống sử dụng gần như tối đa năng lượng mặt trời trong quá trình bay hơi nước. Đồng thời, chúng tôi giảm thiểu lượng nhiệt bị mất mát trong quá trình này” phó giáo sư Qiaoqiang Gan tại Đại học Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng Buffalo, cho biết.
“Những người thiếu nước uống đã sử dụng năng lượng mặt trời trong nhiều năm qua, tuy nhiên, các thiết bị này không hiệu quả” đồng tác giả nghiên cứu Haomin Song cho biết thêm. Nhiều thiết bị có sự mất mát lớn về lượng nhiệt trong quá trình bốc hơi. Bên cạnh đó, những hệ thống này cần các bộ tập trung quang học, như gương và thấu kính, để tập trung ánh sáng mặt trời, vốn khá tốn kém.
Bước đột phá ở đây là việc sử dụng giấy tráng carbon màu đen để hấp thụ nước giúp tối đa hóa năng lượng ánh sáng mặt trời được hấp thụ. Theo nhóm nghiên cứu, thiết bị này có thể sản xuất từ 3 đến 10 lít nước ngọt một ngày. Hiện tại, chi phí cần thiết cho thiết bị này là khoảng 1,6 USD trên mỗi mét vuông. Tuy nhiên, giá thành có thể được giảm xuống nếu chúng được sản xuất với số lượng lớn.
Nguồn: Genk (Theo IFLScience)