Dự báo của IEA: Công suất điện tái tạo toàn cầu sẽ đạt hơn 4.800 GW trong 5 năm tới
- Posted by administrator-solarv
- 0 Comment(s)
Dự báo của IEA (Cơ quan Năng lượng Quốc tế), công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng tốc trong 5 năm tới và sẽ chiếm gần 95% mức tăng công suất điện toàn cầu đến năm 2026. Công suất điện tái tạo sẽ tăng hơn 60% trong giai đoạn 2020-2026, đạt hơn 4.800 GW.
Năng lượng tái tạo lập kỷ lục mới vào năm 2021 bất chấp Covid-19 và chi phí tăng
Năm 2021, Covid-19 tiếp tục gia tăng thách thức cho nền kinh tế thế giới, dù hàng loạt quốc gia đã chuyển hướng tiến tới coi Covid-19 là “endemic” (bệnh đặc hữu) thay vì “pandemic” (đại dịch) nhờ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đại trà, từ đó áp dụng chiến lược thích ứng an toàn vừa kiểm soát dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Trong đó, chi phí logistics tăng, thời gian thông quan kéo dài là những tác động trực tiếp của Covid-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả trong ngành năng lượng tái tạo.
Không chỉ phải đối mặt với các thách thức từ dịch Covid-19, chuỗi cung ứng cho ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là cho điện mặt trời, còn chịu áp lực lớn do hệ quả của việc Mỹ áp lệnh hạn chế nhập khẩu các vật liệu làm pin năng lượng mặt trời từ một số công ty ở Tân Cương, Trung Quốc và tình trạng cắt giảm điện luân phiên trên diện rộng tại Trung Quốc. Giá silicon và polysilicon tăng mạnh, các vật liệu thô khác như kính cường lực PV, nhựa dẻo EVA, nhôm, thép, đồng… cũng tăng cao, đẩy giá các module điện mặt trời và turbine gió tăng. Nhiều nhà sản xuất turbine gió châu Âu và Mỹ đã thông báo tăng giá từ 10-25% cho các đơn đặt hàng mới. Nhận định từ IEA, ước tính chi phí đầu tư cho điện mặt trời tập trung và gió trên đất liền cao hơn 25% so với thời điểm năm 2019.
Tuy nhiên, giá khí đốt tự nhiên và giá than tăng cao hơn đã cải thiện khả năng cạnh tranh của điện gió và điện mặt trời. Năng lượng tái tạo tiếp tục đà phát triển ấn tượng vào năm 2021. Theo nhận định của IEA trong báo cáo đầu tháng 12/2021, với gần 290 GW bổ sung, 2021 sẽ là năm lập kỷ lục về công suất tăng thêm năng lượng tái tạo và cao hơn 3% so với mức tăng trưởng vốn đã rất đặc biệt của năm 2020. Trong đó, chỉ riêng điện mặt trời đã chiếm hơn một nửa tổng lượng điện tái tạo tăng thêm vào năm 2021, tiếp theo là năng lượng gió và thủy điện.
Các quốc gia hàng đầu về công suất năng lượng tái tạo (Ảnh IEA)
Dự báo tương lai của năng lượng sạch
IEA dự báo, công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng tốc trong 5 năm tới và sẽ chiếm gần 95% mức tăng công suất điện toàn cầu đến năm 2026. Công suất điện tái tạo sẽ tăng hơn 60% trong giai đoạn 2020-2026, đạt hơn 4.800 GW. Trung Quốc, châu Âu, Mỹ và Ấn Độ là các thị trường lớn nhất, chiếm tới 80% việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.
Một số dự báo của IEA cho giai đoạn 2021-2026:
– Sản lượng điện tái tạo sẽ tăng gần 52%, đạt hơn 11.300 TWh vào năm 2026; năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn phát điện lớn nhất
– Công suất năng lượng tái tạo bổ sung hàng năm đạt 305 GW trong kịch bản cơ sở và đạt hơn 380 GW trong kịch bản tăng trưởng
– Điện mặt trời sẽ chiếm 60% tổng công suất năng lượng tái tạo bổ sung, với gần 1.100 GW trong kịch bản cơ sở
– Công suất bổ sung của điện gió ngoài khơi hàng năm đạt 21 GW, với điện gió trên bờ là 75 GW
– Điện gió ngoài khơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (240%) trong số tất cả các loại năng lượng tái tạo
– Công suất tích lũy điện gió ngoài khơi sẽ đạt gần 120 GW vào năm 2026 trong kịch bản cơ sở, đạt 134 GW trong kịch bản tăng trưởng
Tuy nhiên, IEA nhấn mạnh rằng, vẫn có khoảng cách đáng kể giữa dự báo ở cả kịch bản cơ sở và kịch bản tăng trưởng so với quỹ đạo cần thiết để đáp ứng mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Để đạt mục tiêu Net Zero, trong giai đoạn 2021-2026, tăng trưởng năng lượng tái tạo phải nhanh hơn 80% so với kịch bản tăng trưởng.
*Nguồn số liệu: Báo cáo Năng lượng tái tạo 2021 – Phân tích và Dự báo đến năm 2026, IEA
Xem thêm:
- Phát Triển Năng Lượng Tái Tạo Xu Thế Tương Lai
- Năng Lượng Tái Tạo – Lợi Ích Cho Sức Khỏe Con Người Và Khí Hậu
- Năm 2030, Năng Lượng Tái Tạo Có Thể Chiếm 1/3 Tổng Nguồn Cung Ở Việt Nam
Nguồn: Vuphong.vn