Bạn có biết: Chuỗi sự kiện quan trọng về tài nguyên môi trường
- Posted by administrator-solarv
- 0 Comment(s)
Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3), Chiến dịch Giờ Trái đất (26/3) là ba sự kiện quốc tế về tài nguyên môi trường diễn ra trong những ngày cuối tháng 3. Hưởng ứng chuỗi sự kiện quan trọng này, sáng nay (23/3/2022), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tổ chức Lễ phát động quốc gia theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến tại thành phố Hà Nội.
Lễ phát động có sự tham dự trực tuyến của hơn 500 điểm cầu gồm các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, Đại sứ quán tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố và các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng. Buổi lễ hướng tới việc nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, từ đó chuyển biến thành hành động để cùng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Lễ phát động đồng thời công bố thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với những chỉ đạo quan trọng và mang tầm chiến lược đối với công tác khí tượng thủy văn, quản lý, sử dụng tài nguyên nước, biến đổi khí hậu…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: TTXVN)
Mời bạn cùng Vũ Phong Energy Group tìm hiểu thêm về chủ đề của ba sự kiện quốc tế quan trọng này!
Ngày Nước thế giới năm 2022: Nước ngầm – Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình
Với chủ đề “Nước ngầm – Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, Ngày Nước thế giới năm nay hướng đến việc nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của nước ngầm, từ đó bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước này.
Trên Trái đất, chỉ có khoảng 1% nguồn nước là nước ngọt, phần còn lại ở dạng nước mặn trong các đại dương. Trong số nước ngọt ở dạng lỏng, 99% là nước ngầm, bao gồm khoảng 10-20% nước ngầm có thể được tái tạo tự nhiên.
Hiện nay, khoảng 50% lượng nước sử dụng trong gia đình của người dân trên thế giới đến từ các mạch nước ngầm. Nước ngầm cũng cung cấp khoảng 40% lượng nước tưới tiêu trong nông nghiệp và khoảng 30% lượng nước cho sản xuất công nghiệp. Nước ngầm có vai trò rất quan trọng giúp duy trì hệ sinh thái, dòng chảy của các con sông, ngăn chặn sụt lún đất và xâm nhập mặn. Hơn nữa, do nước dự trữ trên bề mặt hữu hạn, có chi phí khai thác cao và thường chịu ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu, nước ngầm được coi là một phần của các biện pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.
Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2022 là Nước ngầm (Ảnh: UN Water)
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của nước ngầm, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi: “Chúng ta hãy cam kết tăng cường hợp tác giữa các ngành và hợp tác xuyên biên giới để có thể cân bằng bền vững giữa nhu cầu của con người và thiên nhiên; đồng thời khai thác, sử dụng bền vững nước ngầm cho các thế hệ hiện tại và tương lai”.
Bên cạnh Ngày Nước thế giới (22/3), trong tuần này còn có một sự kiện quan trọng về nước là Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 9 (từ 21-26/3/2022) với chủ đề “An ninh nguồn nước vì hòa bình và phát triển”. Đây là sự kiện quốc tế lớn về nước, được tổ chức 3 năm một lần. Diễn đàn lần này tập trung thảo luận về các vấn đề gồm an ninh nguồn nước và vệ sinh, nước đối với sự phát triển nông thôn, hợp tác bảo vệ nguồn nước, các giải pháp và công cụ bảo vệ nguồn nước…
Ngày Khí tượng thế giới năm 2022: Cảnh báo sớm để hành động sớm – Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới năm nay (23/3/2022) nhấn mạnh vai trò công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm, đồng thời cần phải phối hợp, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, cơ quan Quản lý thiên tai và chính quyền các địa phương. Những điều này sẽ góp phần quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ sinh mạng và sinh kế cho người dân, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Giờ Trái đất năm 2022: Kiến tạo Tương lai – Bây giờ hoặc không bao giờ
Với thông điệp “Kiến tạo Tương lai – Bây giờ hoặc không bao giờ”, chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022 nhấn mạnh vào tính cấp bách của hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh toàn thế giới đang cùng nhau nỗ lực hướng đến các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon.
Thông điệp chiến dịch Giờ Trái đất 2022
Việt Nam cũng đang quyết tâm rất cao trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển ít phát thải, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sự phát triển bền vững. Tại Hội nghị COP26 (tháng 11/2021), cùng với nhiều quốc gia, Việt Nam đã đưa ra hàng loạt các cam kết mạnh mẽ như giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030; tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch…
Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2022 và chung tay hành động vì sự phát triển bền vững, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng nhau tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết từ 20h30 đến 21h30 ngày 26/3/2022, đồng thời tăng cường sử dụng hợp lý năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính khác – như Việt Nam cùng nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến.
Xem thêm:
- Các Nguyên Tắc Và Tiêu Chí Đánh Giá Phát Triển Bền Vững
- Khó Tin Với 10 Căn Nhà Vừa ‘Sang Chảnh’ Lại Thân Thiện Với Môi Trường
- Đâu Là Thời Điểm Chín Muồi Để Xây Dựng Nhà Máy Tái Chế Tấm Pin Mặt Trời Tại Việt Nam
Nguồn: Vuphong.vn