Những công trình năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới
- Posted by administrator-solarv
- 0 Comment(s)
Hạn chế phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường, là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới.
Tòa nhà Sun and the Moon Altar (Trung Quốc)
Tòa nhà có mái rộng 75.000 m2, xòe rộng như một chiếc quạt, tọa lạc tại thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, Tây Bắc Trung Quốc. Không sử dụng năng lượng hóa thạch, đây là công trình kiến trúc xanh, kết hợp nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác nhau và áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Tường và mái nhà sử dụng vật liệu cách nhiệt, có thể làm giảm 30% điện năng tiêu thụ. Kết cấu thép bên trong của tòa nhà cũng chỉ sử dụng bằng 1% so với lượng thép sử dụng để xây dựng sân vận động “Tổ chim” (nơi đã tổ chức Olympic 2008) tại Trung Quốc.
Tòa nhà được chia thành nhiều khu vực như: Trung tâm triển lãm, phòng nghiên cứu khoa học, hội trường lớn và một khách sạn. Toàn bộ năng lượng phục vụ cho các hoạt động diễn ra trong tòa nhà được cung cấp bởi các tấm pin năng lượng mặt trời.
Tòa nhà được coi là một điển hình trong việc tìm kiếm nguồn năng lượng mới thay thế cho năng lượng hóa thạch đang gây ô nhiễm nghiêm trọng tại đất nước này.
Sân vận động World Games (Đài Loan)
Khác với các sân vận động khép kín trên thế giới, World Games có kết cấu mở. Với kiểu dáng bán xoắn ốc, nó giống như một con rồng đang cuộn mình khi nhìn từ trên cao xuống.
Với sức chứa 55.000 khán giả, tọa lạc trên một khu đất với diện tích 19 hecta ở thành phố Cao Hùng (Kaohsiung), mái sân rộng 14.155 m2, được tích hợp 8.844 tấm pin năng lượng mặt trời và có thể sản xuất khoảng 1,4 triệu kWh điện/năm, đủ để cung cấp điện cho 3.300 bóng đèn, 2 màn hình tivi khổng lồ và hệ thống phát thanh trong sân. Vào những thời điểm World Games không hoạt động, 80% dân cư khu vực xung quanh có thể sử dụng nguồn điện này.
Việc sử dụng nguồn năng lượng từ sân vận động World Games đã giúp giảm thiểu được 660 tấn CO2 thải vào khí quyển.
Nhà máy điện mặt trời PS20 (Tây Ban Nha)
PS20 bao gồm 1.255 tấm gương lớn có thể di chuyển được (còn gọi là kính định nhật), nằm xung quanh một tháp tích trữ năng lượng khổng lồ, gần thành phố Sevilla, Tây Ban Nha. Mỗi kính định nhật rộng hơn 350 m2 và tổng diện tích kính bao phủ toàn bộ khu vực là khoảng 155.000 m2.
Trong một ngày, kính định nhật sẽ xoay theo 2 trục hướng về mặt trời và tập trung bức xạ đến một bình chứa ở phần trên ngọn tháp cao 162 m. Sau đó, bình chứa chuyển đổi 92% ánh sáng nhận được thành dòng hơi nước, dẫn xuống một turbine làm chạy máy phát điện ở chân tháp.
Nhà máy điện mặt trời PS20 được xây dựng từ năm 2006, hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2009. PS20 có thể sản xuất được 48.000 MWh/năm, cung cấp cho 10.000 hộ gia đình trong khu vực, giúp giảm khoảng 12.000 tấn co2 vào khí quyển (giảm 2 lần so với tòa nhà PS10 được xây dựng trước đó).
Thuyền Planet Solar
Con thuyền được chế tạo tại xưởng đóng tàu Knierim Yachtbau (Kiel, Đức), với chi phí 17 triệu USD. Con thuyền này không có cánh buồm, mà di chuyển nhờ vào năng lượng mặt trời.
Thuyền Planet Solar
Nặng 95 tấn, dài 31 m, rộng gần 16 m. Con thuyền được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời với tổng diện tích 537 m2 để thuyền có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 25 km/giờ.
Đây cũng chính là con thuyền đã xuất phát từ Monte Carlo (Monaco) vào ngày 27/9/2010, để thực hiện cuộc hành trình vòng quanh thế giới với thông điệp về chống biến đổi khí hậu. Trên hành trình du ngoạn, Planet Solar đã ghé qua thành phố biển Nha Trang (Việt Nam) vào ngày 29/8/2011 và lưu lại đây đến ngày 1/9/2011.
Cầu đi bộ Premier Anna Bligh
Cây cầu đi bộ lớn nhất thế giới có chiều dài 470m này bắc qua sông Brisbane ở thành phố Brisbane, Australia. Cây cầu này trị giá hơn 63 triệu USD và có khoảng 36.500 lượt người sử dụng mỗi tuần.
Hệ thống đèn led của cây cầu được lập trình để tạo ra những tia sáng nhiều màu rực rỡ, điều này trở thành một nét đặc trưng cho những lễ kỉ niệm hằng năm ở Brisban. Những tấm năng lượng mặt trời có thể cung cấp 75% năng lượng khi toàn bộ dàn đèn chiếu sáng; và cung cấp 100% năng lượng khi dàn đèn ở chế độ chiếu sáng thông thường.
Hệ thống âm thanh Grzebik Design
Grzebik Design được xem là hệ thống phát thanh năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Hệ thống phát thanh thuộc sân vận động Đài Loan ở Kaohsiung này có thể truyền âm thanh với cường độ 105 dB đến 40.000 khán giả. Sân vận động hiện đại trị giá 5 tỉ USD này được tích hợp 8.844 tấm năng lượng mặt trời trên 14.155 m2 mái sân.
Những tấm năng lượng mặt trời được tạo hình dòng sông đang chảy, chúng có thể phát ra 1.14 triệu KWh điện hằng năm, giúp giảm thiểu 660 tấn CO2 thải vào khí quyển. Điện năng được dùng để cung cấp cho hệ thống âm thanh của sân vận động được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Toyo Ito.
Cây thông quảng trường King George
Hội đồng thành phố Brisbane, Australia gần đây đã tân trang cây thông Noel lớn nhất thế giới để thắp sáng Brisbane. Cây thông xinh đẹp này được trang hoàng tán lá mới và hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời phức tạp với 16.000 bóng đèn.
Nằm ở quảng trường King George, cây thông Noel lộng lẫy với 250 quả châu đỏ rực, hệ thống đèn màu nhấp nháy và một ngôi sao lớn là một tấm pin mặt trời ở ngọn cây. Bộ mặt mới của cây thông giúp nó thân thiện hơn với môi trường.
Hệ thống bếp năng lượng mặt trời Ấn Độ
Ấn Độ đã đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng mặt trời khắp đất nước. Đất nước này đang xây dựng hệ thông nấu ăn bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới ở thành phố Shirdi bang Maharashtra.
Hệ thống này trị giá khoảng 280.000 USD, sử dụng năng lượng mặt trời nhằm chuyển 3.500kg nước thành hơi nóng vào mỗi ngày để giúp nấu thức ăn cho khánh hành hương điện thờ thánh Sai Baba.
Hệ thống này có thể nấu cho 20.000 người mỗi ngày và tiết kiệm khoảng 100.000 kg ga hằng năm. 43% chi phí lắp đặt hệ thống do chính phủ chi trả.
Xem thêm:
- Sáng Chế Ba Trong Một – Trang Trại Năng Lượng Mặt Trời Nổi
- 05 dự án năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới
Nguồn: VietNamNet