ĐƯA ĐIỆN MẶT TRỜI VÀ ĐÈN LED TIẾT KIỆM ĐIỆN VỀ VÙNG SÂU
- Posted by administrator-solarv
- 0 Comment(s)
Xã Liêng Srônh là xã đặc biệt khó khăn nằm ở phía tây huyện Đam Rông, cách trung tâm huyện 35 km dọc theo trục đường quốc lộ 27, giáp ranh với tỉnh Đăk Lăk, Đắk Nông, Xã có diện tích đất tự nhiên trên 23.890 ha, trong đó đất nông nghiệp 1.450 ha, còn lại là đất lâm nghiệp
- Lựa Chọn Thương Hiệu Pin Mặt Trời Tốt Nhất Hiện Nay
- Ngói Mặt Trời: Đẹp, Bền Nhưng Sao Chưa Phổ Biến?
- Gần 50 Tỷ Đồng Lắp Đèn Năng Lượng Mặt Trời Trên Quốc Lộ
- Ứng Dụng Pin Quang Năng Làm “Xanh” Ngành Đường Sắt
Xã có 406 hộ với 2.111 khẩu, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số. Địa hình là đồi núi, giao thông đi lại rất khó khăn; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông lâm kết hợp. Những năm trước đây hàng trăm em hoạc sinh của vùng Đạ Mpô phải vượt sông, vượt suối sang tân Đăc Nông để học nhờ. Ngày 27 tháng 4 năm 2011 UBND huyện Đam Rông đã thành lập điểm trường Đạ Mpô thuộc thôn 5 xã Liêng Sronh, giao cho trường Tiểu học Đạ Rsal quản lý. Điểm trường Đạ Mpô cách trường chính 10 km, chưa có đường giao thông đi lại, để đi được vào trường phải qua 2 lần bè bằng tre nứa rất nguy hiểm, đăc biệt chưa có điện thắp sáng…
Kỹ sư Nguyễn Hồng Ngọc lắp các Panen pin mặt trời ở điểm trường Đa. Mpô, Đam Rông.
Từ nhu cầu thực tế địa phương…
Năm học 2012-2013 có 6 thầy cô giáo giảng dạy tại trường Đạ Mpô, thực hiện công tác giảng dạy và tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho bà con nhân dân và công tác giảng dạy cho học sinh tại điểm trường, hầu hết đều là người dân tộc Mông ở các tỉnh phía bắc vào làm ăn sinh sống.
Thực tế điều kiện trong sinh hoạt của đội ngũ giáo viên ở đây gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện làm việc cũng như vật chất và tinh thần. Trong đó đặc biệt là nguồn điện, nước phục vụ công tác và sinh hoạt.
Do nguồn điện lưới quốc gia quá xa. Mọi sinh hoạt đều sử dụng nguồn chiếu sáng bằng đèn dầu nên khó khăn rất lớn trong sinh hoạt và phục vụ công tác chuyên môn.
Đường vào điểm trường Đạ Mpô.
…đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nông thôn miền núi
Trong một lần xuống làm việc với huyện Đam Rông, PGs, TS Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng biết được thông tin này, ông đã trăn trở suy nghĩ cách làm sao để đưa điện chiếu sáng về cho trường Đạ Mpô, tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt và giảng dạy cho thầy cô giáo, các em học sinh. Giúp đội ngũ giáo viên nâng cao đời sống trong sinh hoạt, ổn định đời sống. Tạo thuận lợi trong công tác tra cứu, tìm hiểu và nắm bắt các thông tin về chuyên môn, xã hội nhằm nâng cao năng lực trong công tác cũng như chất lượng đào tạo.
Hiện nay, những nơi chưa có mạng lưới điện quốc gia vươn tới thì có thể dùng các mô hình như: Máy phát điện, bình Ăc qui, thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió… Các mô hình đều có những ưu, khuyết điểm khác nhau. Ở đây không thể làm thủy điện nhỏ vì sẽ gây tàn phá môi trường. Máy phát điện phải tiêu tốn nguyên liệu. Ắc quy, quá trình nạp lại điện phải thường xuyên mà địa điểm trường quá xa, đường sá đi lại khó khăn. Điện gió không thích hợp vì đây là một điểm trường quy mô nhỏ, vã lại hệ thống này chi phí cao, gây ô nhiễm tiếng ồn trong khi vận hành.
PGs, TS Lê Xuân Thám đi Bè qua sông để sang trường Đạ Mpô
Còn một phương án khả thi là điện mặt trời, một giải pháp công nghệ mới, với ưu điểm: Hệ thống gọn nhẹ, tính ổn định cao, vận hành đơn giản, không tốn các chi phí về nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Từ những phân tích trên, PGs TS Lê Xuân Thám bàn với lãnh đạo Sở giao cho Chi đoàn thanh niên cơ quan lập dự án: “Xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời và thiết kế hệ thống nước sinh hoạt cho Phân hiệu trường tiểu học Đạ Mpô”.
Dự án được giao cho Ks Nguyễn Hồng Ngọc, Bí thư Chi Đoàn Thanh niên Sở KH&CN Lâm Đồng phối hợp với Trường Tiểu học Đạ Rsal- Đam Rông. Việc xây dựng hệ thống điện mặt trời tại điểm trường Đạ Mpô với yêu cầu là phục vụ công tác giảng dạy và sinh hoạt cho đội ngũ giáo viên. Mặt khác tạo mô hình, từ đó làm cơ sở cho việc triển khai các mô hình tương tự trong thời gian tới. Do đó dự án cần tiến hành khảo sát một số chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở khoa học cho các mô hình tiếp theo.
Từ yêu cầu đó, các kỹ sư của Sở KH& CN đã về cơ sở để khảo sát và thu thập thông tin: Số giờ nắng, cường độ nắng … Vị trí lắp đặt hệ thống pin cũng như các vị trí đèn chiếu sáng. Vị trí đặt hệ thống nước sinh hoạt. Thu thập số liệu về hiệu năng sử dụng của hệ thống điện năng lượng theo 2 mùa mưa, nắng.
Lắp đèn LED tiết kiêm điện cho phòng làm việc.
Sau khi tổng hợp thông tin, báo cáo, xử lý, phân tích số liệu, đề xuất, lựa chọn vị trí đủ điều kiện lắp đặt hệ thống. Đoàn thấy rằng trước mắt hệ thống điện cần đáp ứng cho nhu cầu sử dụng: 54 bóng đèn điện, 01 máy tính xách tay, 01 tivi.
Đoàn đã mua 8 panen, 8 bình điện (đợt một đã lắp 4 panen) cùng phụ kiện chở xuống cơ sở. Ô tô chỉ đến xã, từ xã về trường 12 cây số phải đi xe máy. Đường đất lầy lội, trơn trượt qua hai lần đò và băng qua suối bằng một cây gỗ tròn rất nguy hiểm. Một người chở, một người ngồi ôm hàng, phải huy động 8 chuyến xe máy mới chở xong…
Đèn LED tiết kiệm điện được lắp cho các phòng học.
Nơi vùng sâu đã có điện mặt trời
Sáng 19/11/2013 tôi tháp tùng Đoàn lãnh đạo Sở KH&CN Lâm Đồng xuống điểm trường Đạ Mpô kiểm tra tiến độ đề án. Xuất phát từ Đà Lạt vào 6 giờ sáng đi qua ba huyện Đức Trọng, Lâm Hà rồi đến Đam Rông. Con đường liên tỉnh đầy những ổ gà, ổ trâu, xe nhảy chồm chồm trên đường 130 km mới trường chính của xã. Xe tiếp tục đi vào đường đất qua một chiếc cầu nhỏ sang địa phận Đắc Nông. Anh Hồng cán bộ kiểm tra dự án nói: “Mình phải đi qua 3 tỉnh mới đến được điểm trường!” Một người trong đoàn giải thích: Mặc dù điểm trường Đạ Mpô thuộc thuộc tỉnh Lâm Đồng nhưng đường quá xấu, không đi được nên phải vòng qua ranh giới 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắc Nông rồi mới vòng trở lại.
Vẫn ở địa phận Đắc Nông, còn khoảng 10 km nữa nhưng chỉ còn đường mòn qua nương rẫy, rừng lồ ô… đoàn xuống xe nhờ 12 xe máy của cán bộ đoàn trường và giáo viên chở vào. Những ngày trời mưa, các kỹ sư xuống lắp đặt đã bị té lên té xuống vì đường lầy lội trơn trượt. Bây giờ nắng lên những chỗ lún giờ thành khe sâu, chỗ lồi trở thành sống trâu.
Nhờ có điện, thông tin đã về cơ sở qua máy tính và TV
Cuối cùng thì Đoàn chúng tôi cũng đã đến được điểm trường Đạ Mpô. Các kỹ sư chỉ cho chúng tôi nơi lắp đặt 12 panen pin mặt trời và phòng đặt 12 bình ắc quy tích điện và bộ tăng thế 220V. Tổng công suất điện đạt được là 1,74KW. 5 phòng học ở đây đã được thắp sáng bằng đèn LED tròn, mỗi phòng 10 bóng. Tôi hỏi Kỹ sư Ngọc: “Từ đâu có sáng kiến này?”. Kỹ sư Ngọc cho biết: Đó là nhờ sự trợ giá của công ty TNHH một thành viên Vũ Phong, giảm 50% giá thành bóng đèn cho điểm trường và dự án, đây là cơ hội chuyển đổi bóng đèn Compact sang bóng đèn LED tiết kiêm điện. Với độ sáng như nhau, đèn compact tiêu thụ 18W trong khi đèn LED chỉ 7W và độ bền 15-20 năm gấp 10 lần đèn Compact.
Với số tiền ít ỏi từ kinh phí sự nghiệp khoa học đợt đầu 120 triệu trong đó gồm cả kinh phí để xây dựng, lắp đặt hệ thống dẫn và lọc nước từ ngọn đồi cách xa 550m về; đợt 2 là 170 triệu cho toàn bộ dự án.Thật là một sự cố gắng của những người tham gia dự án.
PGs, Ts Lê Xuân Thám đến thăm một lớp học đã có điện thắp sáng
Không chỉ dừng ở đó, Sở còn tổ chức buổi hội thảo tại điểm ứng dụng năng lượng mặt trời cho các đơn vị và người dân trong vùng nhằm nâng cao dân trí, hiểu biết thêm về công nghệ mới và tuyên truyền chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia. Đây là mô hình đầu tiên ứng dụng năng lượng mặt trời cho một vùng sâu, xa như thế ở Lâm Đồng.
Hy vọng trong thời gian tới các điểm khó khăn khác, nơi mà điện lưới chưa vươn tới sẽ áp dụng mô hình này nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngành điện hiện nay và góp phần bảo vệ môi trường.
Theo Tạp chí Anhsangvacuocsong.vn