Khai thác mặt trời
Điện mặt trời vẫn là tiềm năng chưa được khai thác ở Việt Nam, song một vài doanh nghiệp trong nước đã khởi động, đón đầu xu hướng sử dụng năng lượng sạch này.
Nắm giữ 25% thị phần thị trường thiết bị điện mặt trời
Từ tháng 5 năm nay, sinh viên đại học RMIT có thể sạc điện cho thiết bị cầm tay trong các trạm nạp năng lượng trong sân trường ở quận 7, TP.HCM. Điểm khác biệt so với các trạm tương tự đặt ở nhà chờ sân bay, bệnh viện, là các trạm ở đây sử dụng năng lượng mặt trời.
Cuối năm 2015, hộ nông dân Lê Thị Nguyệt ở Thuận Quý (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) yên tâm về việc tưới cho một héc ta thanh long mà không sợ tổn hao nhiều chi phí điện năng, cũng như nỗi lo bị cúp điện giữa chừng, bởi họ sử dụng hệ thống tưới bằng năng lượng mặt trời.
Điểm chung của hai hệ thống này, ngoài việc sử dụng năng lượng mặt trời, là cùng đối tác thực hiện: công ty Vũ Phong. Doanh nghiệp thành lập từ năm 2009 này đã có hơn 60 mã hàng từ dân dụng cho tới điện công nghiệp, điện chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời. Năm 2015, doanh thu của Vũ Phong đạt hơn 50 tỉ đồng, một con số rất nhỏ trong ngành thiết bị điện. Nhưng nếu con số ước tính thị trường thiết bị điện năng lượng mặt trời của Việt Nam vào khoảng 200 tỉ đồng, Vũ Phong chiếm 25% thị phần. Ở đất nước phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch như Việt Nam, năng lượng sạch nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng, tuy có tiềm năng nhưng trong chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 điện mặt trời mới chiếm 0,5% sản lượng điện, thì việc một doanh nghiệp có vốn điều lệ 9,1 tỉ đồng cung ứng cho thị trường 2.340 kW điện sạch thể hiện “đam mê mang năng lượng mặt trời” đến cho người dùng.
Vũ Phong hiện có bốn dòng sản phẩm chính, gồm thiết bị điện mặt trời hòa lưới, điện mặt trời độc lập, bơm điện năng lượng mặt trời và chiếu sáng năng lượng mặt trời. “75% sản phẩm tiêu thụ là cho cá nhân, còn lại là doanh nghiệp,” Phạm Nam Phong, sáng lập kiêm giám đốc điều hành Vũ Phong cho biết. Danh sách các dự án do Vũ Phong thực hiện có đủ doanh nghiệp trong và ngoài nước, như RMIT, Đường Biên Hòa, công ty Giấy An Bình, sở Khoa học – Công nghệ Bình Thuận, vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM và khá nhiều hộ gia đình.
Đơn hàng đầu tiên
Đơn hàng đầu tiên của Vũ Phong là 14 hệ thống điện năng lượng mặt trời, với tổng công suất trên 7kW cho vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước). Năm 2009, khi mới thành lập công ty, Phong lập website solarpower.vn để cung cấp thông tin về năng lượng mặt trời. Khi đó, dự án được tài trợ vốn từ nước ngoài lắp các trạm điện cho vườn quốc gia sắp hết thời hạn, nên sở Khoa học – Công nghệ Bình Phước mới tìm đến Vũ Phong.
Ở thời điểm ứng dụng năng lượng mặt trời còn tương đối mới, các dự án chủ yếu có nguồn tài trợ từ nước ngoài, Phong một mặt phát triển công ty như một nhà thầu dự án năng lượng mặt trời, một mặt anh xây dựng đội ngũ nghiên cứu và phát triển để sản xuất thiết bị. Phong mời Ngô Trung Hiếu, bạn học cùng khóa nhưng chuyên về điện tử về làm kỹ sư trưởng. Về nguyên lý, việc chuyển hóa quang năng mặt trời thành điện năng được thực hiện qua các tấm pin. Sau đó, điện được lưu trữ trong bộ tích điện (pin, ắc quy). Hai sản phẩm này Vũ Phong đều đặt hàng các đối tác nước ngoài hoặc trong nước có uy tín. Việc điều khiển, biến dòng, kích từ điện áp thấp lên cao do công ty tự nghiên cứu và sản xuất.
Một năm sau, công ty thử nghiệm bốn bộ phát điện năng lượng mặt trời công suất nhỏ, dùng cho đèn LED và sạc pin cho điện thoại di động. Năm 2011, tại hội chợ về công nghệ ở Tây Nguyên, các sản phẩm thử nghiệm như bộ sạc năng lượng mặt trời của họ tạo được sự chú ý của các đại lý, và một nhà phân phối đã vét sạch các sản phẩm trưng bày. Sau khi thử nghiệm thành công hai bộ kích điện kỹ thuật số để biến dòng một chiều từ pin năng lượng mặt trơi sang dòng xoay chiều, Vũ Phong bắt đầu xây dựng kênh phân phối sản phẩm ở miền Nam, chủ yếu ở nông thôn, các trang trại ở Tây Nguyên, nơi điện lưới khó có thể kéo xuống vì chi phí quá cao.
“Hiểu rõ thói quen tiêu dùng của nông dân, thích đồ điện nặng, có vẻ chắc chắn, các sản phẩm của Vũ Phong tuy có giá bán cao hơn giá thị trường khoảng 20% nhưng vẫn được đón nhận,” Phong chia sẻ. Hai lý do chính: một là nhờ chế độ bảo hành 20 năm, sẵn sàng một đổi một. Thứ hai, họ tặng kèm một tivi CRT 18 inch khi mua trọn bộ pin, ắc quy, máy phát điện. “May mà hồi đó, có một công ty trong nước sản xuất được loại tivi đó nên Vũ Phong kết hợp luôn,” Phong nói. Việc phát triển sản phẩm, chính sách về giá và tiếp thị do Phong tự đảm nhiệm. Chàng kỹ sư cơ khí giao thông sau khi ra trường năm 2005 đã tranh thủ học thêm văn bằng hai về marketing, cũng như cao học Quản trị kinh doanh, trước khi mở công ty về năng lượng mặt trời.
Ba năm qua, các sản phẩm điện năng lượng mặt trời của Vũ Phong có mặt ở vùng nông thôn miền Nam, Tây Nguyên. Họ cũng có các đơn hàng đến từ tám quốc gia như Mỹ, Campuchia, Myanmar… Theo Phong, sản phẩm dành cho nông hộ bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Vũ Phong đang đẩy mạnh sản phẩm cho hộ gia đình thành thị và khối doanh nghiệp. Thị trường xuất hiện nhiều nhãn hiệu từ Trung Quốc, một số của doanh nghiệp trong nước. Tuy Vũ Phong có thể thiết kế, sản xuất và thi công một dự án công nghiệp cỡ vừa, nhờ bắt tay với hãng Uni của Singapore để có nguồn cung tấm pin năng lượng mặt trời chất lượng ổn định, không bị lỗi, song vẫn có các trở ngại khiến sản phẩm năng lượng mặt trời chưa thật sự được triển khai mạnh.
Về chính sách, Việt Nam khuyến khích sử dụng năng lượng sạch song các đơn vị triển khai gặp phải một số rào cản. Chẳng hạn cá nhân hay doanh nghiệp có thể đầu tư hệ thống điện mặt trời dùng trong nhà máy, nhưng công suất dư lại không thể phát lên hệ thống chung. “Một số nơi chúng tôi phải kèm giải pháp tiêu hao năng lượng dôi dư đó,” Phong nói. Do điện kế điện tử đang sử dụng rộng rãi hiện nay không phân biệt việc tiêu thụ hay phát điện lên lưới, nên doanh nghiệp không được tiền bán điện, mà còn phải trả thêm tiền, một loại “phí phát điện.” Bất cập này khiến cho các chuyên gia của UNDP nêu khuyến nghị riêng về chính sách công tơ điện hai chiều, để tính theo kiểu khấu trừ cho các hộ sử dụng điện mặt trời lẫn điện lưới quốc gia. Phần phát ngược lên lưới sẽ được khấu trừ vào phần sử dụng từ điện lưới của hộ gia đình.
Bên cạnh sản phẩm điện gia dụng, Vũ Phong thiết kế, thi công hệ thống tưới công suất lớn bằng năng lượng mặt trời. Giá trung bình mỗi mã lực khoảng 45 triệu đồng. Một số doanh nghiệp như Đường Biên Hòa sử dụng ba trạm bơm do Vũ Phong thiết kế, hay một hộ nông dân ở Bình Thuận được dự án của sở Khoa học – Công nghệ tỉnh này lắp cho một trạm bơm 1,5 mã lực. “Mùa khô vừa rồi, nhân viên kinh doanh đi chào bán các tỉnh Tây Nguyên, khách hàng đồng ý mua nhưng hỏi lấy nước đâu để bơm?” Phong kể về thực tế kinh doanh năm nay.
Cơ hội cho doanh nghiệp điện mặt trời?
Cơ hội cho các doanh nghiệp như Vũ Phong? Giáo sư Alex Stojcevski, phân viện truởng phân viện Công nghệ trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam cho biết, theo số liệu tính toán của bộ Khoa học – Công nghệ năm 2015, mỗi năm, các địa phương thuộc miền Nam, miền Trung có thể cung ứng 1.460 – 1.825 Wh/m2.
Rào cản lớn nhất khiến điện mặt trời chưa phát triển, theo giáo sư Stojcevski, là suất đầu tư ban đầu lớn và giá mua điện khá thấp khiến cho ứng dụng điện mặt trời mới chỉ là các dự án nhỏ. Theo tính toán của nhóm chuyên gia UNDP công bố tháng 3.2016 trong báo cáo Xanh hóa gói điện năng, nếu tính chi phí môi trường, y tế, sức khỏe vào chi phí thực của nhà máy nhiệt điện chạy than, cộng với xu hướng giá than sẽ tăng trong tương lai, các nhà máy điện mới sẽ bị lỗ. Về chính sách cụ thể, Việt Nam mới ban hành chính sách cho điện gió và sinh khối, còn điện mặt trời đang trong quá trình xây dựng dự thảo.
Trong khi chờ đợi những thay đổi cụ thể, Phong cho biết, Vũ Phong tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm. Giá tấm pin mặt trời ngày mỗi giảm là một tín hiệu đang mừng cho các doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời. “Hy vọng công nghệ mới về pin trong hai năm tới có khả năng lưu trữ tốt, giá thành hạ sẽ thúc đẩy ngành này phát triển hơn,” Phong chia sẻ ước vọng, dựa trên các dự án về pin công nghệ mới do Elon Musk của Tesla đang triển khai.
Xem thêm:
- Có Nên Lắp Điện Năng Lượng Mặt Trời Không?
- Đèn LED / Đèn Năng Lượng Mặt Trời
- Suất Đầu Tư 1MW Điện Mặt Trời Áp Mái
- Ngân Hàng Đua Cho Vay Tiền Lắp Điện Năng Lượng Mặt Trời
Nguồn forbesvietnam.com.vn