Năng lượng tái tạo: Giải thoát cho bầu không khí, cứu cánh nguồn năng lượng
- Posted by administrator-solarv
- 0 Comment(s)
Nhiệt điện than một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến chất lượng đời sống của người dân.
Thủ phạm gây ô nhiễm không khí hàng đầu
Theo Báo cáo giám sát các nhà máy điện than toàn cầu được nêu ra ở Hội thảo: “Ô nhiễm môi trường, năng lượng tái tạo và sức khỏe cộng đồng” tổ chức trung tuần tháng 8 năm 2018 tại Đại học Y Hà Nội, năm 2017, Việt Nam tiếp tục là điểm nóng của điện than. Mặc dù không có nhà máy nhiệt điện than nào được xây dựng vào năm 2017, nhưng một số lượng lớn các dự án được đề xuất vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh vào năm 2016, nước ta có tổng dự án đã công bố với tổng công suất 12.100 (MW), dự án chuẩn bị được cấp phép với tổng công suất 15.040 (MW), dự án đã được cấp phép với tổng công suất 8.750 (MW) và dự án đang xây dựng với tổng công suất 10.635 (MW).
Quảng cảnh Hội thảo: “Ô nhiễm môi trường, năng lượng tái tạo và sức khỏe cộng đồng”. Ảnh: Ngọc Xen
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiệt điện than vẫn là nguồn cung cấp điện chính tại nước ta. Thế nhưng, hậu quả nghiêm trọng của nhiệt điện than đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng, Điều phối viên tại Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs – VN) cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện than và việc sử dụng than tổ ong, than đá… tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, các làng nghề thủ công và các hộ gia đình… hơn bao giờ hết đang trở thành vấn đề nóng, không chỉ gây ô nhiễm không khí, mà điều đó còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các bụi độc phát thải ra từ quá trình đốt than như silic, cacbon, oxit cacbon… Đặc biệt là bụi mịn (PM2.5), độc hại tới mức có thể thấm qua mao mạch của phổi, gây các bệnh nguy hiểm như: đột quỵ, tim mạch, cao huyết áp, vấn đề tâm thần, thần kinh, viêm phổi và ung thư…
Bác sĩ Nguyễn Trọng An phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Xen
Theo các chuyên gia, năng lượng tái tạo chính là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và các hệ lụy kéo theo sau đó.
Năng lượng tái tạo là chìa khóa?
Các chuyên gia chỉ rõ bên cạnh lợi ích kinh tế, năng lượng tái tạo còn là nguồn năng lượng nội địa có thể giúp nước ta chủ động hơn về nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào giá dầu, than và khí gas trên thị trường quốc tế. Năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm chi tiêu cho nhập khẩu về dài hạn và tăng thêm lợi thế cho nền kinh tế cũng như giảm phát thải cho Việt Nam.
Cơ chế hỗ trợ giá cho điện mặt trời với các dự án điện quy mô lớn (FiT) đi kèm các cơ chế bù trừ điện năng cho hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được Thủ tướng chính phủ ban hành tháng 04/2017. Cơ chế này có hiệu lực từ ngày 01/06/2017 cho tới ngày 30/06/2019.
Ngày 12/09/2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư hướng dẫn về phát triển các dự án mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch điện, trong đó, có một số dự án đã khởi công xây dựng. Chính sách mới ban hành đã tạo một bước ngoặt quan trọng cho việc ứng dụng rộng rãi công nghệ này trên cả nước.
Tuy rằng vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại trong quá trình thực thi, thế nhưng, với sự phát triển của xã hội cũng như mức độ cần thiết sử dụng năng lượng tái tạo của người dân, tin tưởng rằng thách thức này hoàn toàn có thể quản lý và vượt qua được.
Nguồn: Báo Mới