Ngành giao thông vận tải chuyển đổi năng lượng xanh
- Posted by webmaster
- 0 Comment(s)
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải (gọi tắt là Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh).
- Logistics Xanh Nâng Cao Khả Năng Cạnh Tranh Và Tăng Trưởng Bền Vững
- Trong Năm 2022 Chi Tiêu Cho Năng Lượng Xanh Dự Kiến Đạt Gần 650 Tỷ USD
- Châu Á Đua Nhau Làm Xe Điện, “Xanh Hóa” Giao Thông
Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh có mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Chương trình đã đặt ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh với từng phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không…
Trong đó, với đường bộ, giai đoạn 2022 – 2030, sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh. Đến năm 2040, sẽ từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Với đường sắt, giai đoạn 2022 – 2030, sẽ nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt dùng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại; xây dựng kế hoạch và đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp tại các nhà ga sang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2050 sẽ chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe đường sắt và chuyển đổi 100% trang thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang dùng điện, năng lượng xanh tại các nhà ga.
Tăng cường sử dụng năng lượng xanh sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kinh, hướng tới trung hòa các-bon (Ảnh minh họa internet)
Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh với các phương thức vận tải như đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không cũng đưa ra mục tiêu về việc 100% các phương tiện chuyển sang dùng điện, năng lượng xanh, như:
- Đường thủy nội địa: 100% phương tiện thủy nội địa đóng mới sử dụng năng lượng xanh và 100% cảng thủy nội địa xây dựng mới áp dụng tiêu chí cảng xanh vào năm 2040. Đến năm 2050, 100% phương tiện và 100% trang thiết bị tại các cảng, bến thủy nội địa sử dụng điện, năng lượng xanh.
- Hàng hải: 100% tàu biển hoạt động tuyến nội địa dùng năng lượng xanh từ năm 2050.
- Hàng không: Từ năm 2040, chuyển đổi cho tất cả các phương tiện hoạt động trong khu bay sử dụng điện. Đến 2050, sẽ chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính.
Giao thông vận tải là ngành tiêu thụ năng lượng lớn ở Việt Nam và là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể; phát thải khoảng 45 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2019 và dự báo tăng trung bình 6-7% mỗi năm, lên đến gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Chính vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải được nhận định có vai trò quan trọng trong lộ trình để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cũng như mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Đặc biệt, dự kiến đến năm 2050, sẽ có khoảng 70% dân số Việt Nam sẽ tập trung tại các khu vực đô thị. Do đó, việc chuyển đổi giao thông xanh cho đô thị càng cần được quan tâm. Ở lĩnh vực này, Chương trình đã đặt ra mục tiêu từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới dùng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng năng lượng xanh sẽ tăng lên đạt tối thiểu 50%, đồng thời 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. 100% xe buýt, xe taxi sẽ sử dụng nguồn năng lượng này vào năm 2050.
Xem toàn văn Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải:
Nguồn: Vuphong.vn